taysonquynhon's Blog

Một thời học trò để nhớ về

Niềm tin vượt qua sợ hãi

SGTT.VN – 132 phút phim về người đàn bà “hoa lài” ở đất nước Myanmar của đạo diễn Luc Besson, người từng được mệnh danh là Steven Spielberg của nước Pháp, là những giây phút đem lại thú vị cho bất kỳ ai yêu những câu chuyện thần kỳ có thật giữa thế kỷ 21 này.

 

Cảnh trong phim The Lady. Ảnh:

 

The Lady, với vai diễn xuất sắc của nữ diễn viên Dương Tử Quỳnh, đã tái tạo lại một chặng đường trong cuộc đời của người đàn bà lừng danh Aung San Suu Kyi, và cũng là một giai đoạn thử thách của vận mệnh dân tộc Myanmar. Hình ảnh cuối của phim khép lại với nụ cười tiều tuỵ nhưng mãnh liệt của nhân vật chính là Suu Kyi, như muốn khắc vào tim người xem rằng với niềm tin, người ta có thể vượt qua sự sợ hãi trước cái ác và bạo lực.

 

Câu chuyện của The Lady là những thông điệp cuộc sống đan chéo giữa câu chuyện đời của gia đình bà Aung San Suu Kyi, với người chồng là nhà văn Michael Aris. Từ một người phụ nữ nhỏ nhẹ và chỉ quen chuyện chăm sóc cho gia đình của mình, đột nhiên số phận đưa đẩy bà trở thành lãnh tụ đảng đối lập, hơn nữa, là người đàn bà nhận giải Nobel hoà bình năm 1991.

 

“Khi mình cho là không dính gì đến chính trị thì đừng quên là cũng có lúc chính trị sẽ nhìn đến mình”, trong phim, bà Aung San Suu Kyi đã viết và dán thông điệp trên lên trước cửa nhà mình, nơi bà cô đơn giữa các họng súng.

 

Bộ phim là một chuỗi dài những câu chuyện quen thuộc và gần gũi của một đời người sống giữa an ninh, mật vụ, những trò trấn áp hèn hạ. Chung quanh người đàn bà yếu ớt đó là súng và những kẻ chỉ biết bóp cò súng một cách vô tri theo lệnh cấp trên. Trong một phân đoạn nhỏ, kẻ giết người không gớm tay của tướng Than Shwe đột nhiên hết sức gần với con người khi nghe tiếng đàn piano của bà Aung San Suu Kyi, “âm nhạc”, tên đồ tể gật gù. Ở một cảnh khác, khi rút khỏi nhà của bà Aung San Suu Kyi, tên đồ tể đó lại cười chào bà. Dường như Luc Besson muốn gửi lại trong những khung hình đó rằng kẻ tàn bạo nhất, rồi cũng sẽ được cứu rỗi khi được văn hoá chạm đến trái tim.

 

Phim cho thấy suốt một thời gian dài, hơn một phần tư thế kỷ, dân tộc đất Phật Myanmar phải cam chịu bạo quyền và độc tài, nhưng ngọn lửa yêu tự do và dân chủ trong trái tim của người dân chưa bao giờ nguôi. Khi Luc Besson thực hiện phim này, ông cũng chỉ có một niềm tin. Vào thời điểm đó, xe tăng vẫn còn đậu trước cửa nhà của bà Aung San Suu Kyi, các thành viên đảng Liên minh Quốc gia vì Dân Chủ vẫn đang ngồi tù. Thế nhưng huyền thoại đã rực sáng khi Aung San Suu Kyi tự do và trở thành một trong những niềm tin vĩ đại của miền đất Phật.

 

Không thể không ca ngợi vai diễn của diễn viên Dương Tử Quỳnh. Ánh mắt và dáng điệu của bà Aung San Suu Kyi đã được tái tạo một cách cảm động nhuần nhuyễn. Ở một vai diễn chỉ có ánh mắt và sự im lặng là chính, Dương Tử Quỳnh có lẽ đã làm không ít khán giả bật khóc khi sẻ chia sự cô đơn khủng khiếp của bà Aung San Suu Kyi.

 

Vai người chồng của bà Aung San Suu Kyi, nhà văn Michael Aris, do David Thewlis vào vai cũng là một phần làm nên sự thơ mộng và ray rứt của bộ phim.

 

Vào lúc này, câu chuyện của The Lady đã lan toả khắp thế giới, như một bài học nhỏ về niềm tin của con người có thể vượt qua mọi sự sợ hãi. Và có lẽ chỉ có những niềm tin như vậy gặp nhau, nhà biên kịch Rebecca Frayn mới cất công miệt mài rút gọn khối tư liệu dài ba năm phỏng vấn bà Aung San Suu Kyi để chắt lọc những bi hùng đáng giá của daw(*) Aung San Suu Kyi và đưa nó đến với mọi người như một thông điệp tuyệt đẹp cho thế giới này.

 

Tuấn Khanh

 

(*)daw, tiếng Myanmar là bà, với sự kính trọng.

Nguồn: http://sgtt.vn/Van-hoa/165696/Niem-tin-vuot-qua-so-hai.html

07.07.2012 Posted by | Văn học - Nghệ thuật | , | 6 bình luận

Vì sao tivi kết nối được internet?

Ảnh ST trên Google

SGTT.VN – Không chỉ có máy tính, điện thoại di động… mới kết nối được internet mà nhiều dòng tivi cũng làm được việc này. Vậy, cơ chế kết nối internet của tivi có gì khác với kết nối internet trên các thiết bị khác? Từ năm 2010, nhiều hãng sản xuất tivi đã tích hợp chức năng kết nối internet trên một số dòng tivi hạn chế. Mục đích là gia tăng giá trị sử dụng của chiếc tivi đó. Bước sang năm 2011, số mẫu tivi kết nối internet xuất hiện trên thị trường ngày càng nhiều hơn.

Tuỳ theo nhà sản xuất mà cơ chế kết nối internet có khác nhau. Với LG, việc kết nối internet chỉ hạn chế ở một vài địa chỉ đã được nhà sản xuất chỉ định trong chương trình điều khiển của tivi. Trong khi đó, ở những dòng tivi internet của Samsung được sản xuất trong năm 2011, có quyền truy cập bất kỳ địa chỉ nào vì những dòng tivi này được tích hợp trình duyệt web có tên là Dolphin.

Đây là trình duyệt web hoàn chỉnh, không giới hạn số lượng địa chỉ truy cập. Về cơ chế hoạt động, để kết nối được các địa chỉ internet, có thể dùng công nghệ không dây hoặc có dây. Nhà sản xuất đã tích hợp bộ thu sóng không dây và thiết bị kết nối mạng (card mạng) trong chiếc tivi đó. Muốn sử dụng cổng kết nối không dây, đòi hỏi phải có modem có chức năng wifi. Còn muốn dùng kết nối có dây, phải có modem internet, kết nối với tivi qua cáp RJ45.

Cũng cần nói thêm, tốc độ kết nối internet qua tivi không phụ thuộc vào cấu hình và phương tiện/phương thức kết nối (có thay đổi nhưng không đáng kể) mà phụ thuộc vào gói thuê bao cũng như thời điểm kết nối vào giờ cao điểm hay thấp điểm. Tuy nhiên, so với kết nối internet bằng máy tính, kết nối trên tivi phải khai báo nhiều khâu. Cần đọc kỹ hướng dẫn của nhà sản xuất (có tài liệu kèm theo) khi muốn sử dụng chức năng này.

Trọng Hiền

 Nguồn: http://sgtt.vn/Khoa-giao/143319/Vi%CC%80-sao-tivi-ke%CC%81t-no%CC%81i-duo%CC%A3c-internet.html

19.04.2011 Posted by | Bài viết, Tin khoa học | , , | Bình luận về bài viết này

Đúng, sai: ranh giới mong manh

Câu sai được chia thành nhiều loại: sai chính tả, sai từ ngữ, sai ngữ pháp, sai lôgích, sai phong cách… Nhưng có những câu không thể phân định đúng sai bằng những chuẩn mực đơn giản như chính tả, ngữ pháp!

Minh hoạ: Hồng Nguyên

Sai với người này, đúng với người khác

Có câu, người này cho là sai nhưng người khác lại thấy đúng. Câu “Với đồng lương hưu không đủ sống, từ những năm 1987, anh đã viết hàng chục lá đơn…” (NB&CL, 9.10.1993) đã bị T. Nh. phê là chỉ có một năm 1987, sao lại dùng từ “những”? Và NB&CL đã cám ơn. Ấy thế nhưng trong tiếng Việt từ “những” còn được dùng với ý nghĩa nhiều: “Tôi cao những 1,8m”, “Ông ấy có những ba biệt thự”. Khi người bố hỏi “Tối qua con đi những đâu?”, người con có thể đáp vào từ “những”: “Có đâu mà những! Con chỉ sang ôn bài ở nhà Bé Ba”. Vậy nếu người viết muốn nói từ nhiều năm rồi, từ những năm 1987, thì câu trên đâu có sai?

Không sai nhưng trái ý người viết

Trên tuần báo P có bài Người Hà Nội mù chữ. Bài này chỉ nêu lên hiện tượng có một số người Hà Nội mù chữ, thế mà lại viết “người Hà Nội”. Viết vậy hoá ra mọi người Hà Nội đều mù chữ. Đầu đề này mang định hướng chê người Hà Nội, ngược với ý tác giả bài phóng sự. Bây giờ chúng ta thử đổi thành: “Người Hà Nội cũng mù chữ?” Do dùng kiểu hỏi, đầu đề này thể hiện được sự ngạc nhiên chứ không còn là lời chê nữa. Từ “cũng” trong câu hỏi này tạo nên ý sau: người vùng nào mù chữ còn hiểu được chứ “người Hà Nội mà cũng mù chữ” thì không thể tin được. Kết quả là trong thâm tâm có ý đánh giá cao dân trí Hà Nội.

Khen cái này lại phủ định cái kia

Có bài viết “Khác với Dế mèn phiêu lưu ký, truyện ngắn Vợ chồng A Phủ là một tác phẩm đã đem lại nhiều tiếng vang lớn cho nhà văn Tô Hoài”. Câu trên ca ngợi truyện Vợ chồng A Phủ nhưng vô tình hạ thấp Dế mèn phiêu lưu ký. Thế là khen cái này, nếu vô ý về câu chữ có thể dẫn tới chê cái kia. Cụm từ “khác với” mở đầu trạng ngữ của câu đã tạo ra hàm ý không mong muốn đó. Chỉ cần thay “khác với” bằng “giống như”, chúng ta sẽ được một câu ca ngợi cả hai tác phẩm: “Giống như Dế mèn phiêu lưu ký, truyện ngắn Vợ chồng A Phủ cũng là một tác phẩm đã đem lại nhiều tiếng vang lớn cho nhà văn Tô Hoài”.

Một ví dụ khác: trên báo H., có người viết về tình cảm của nhà thơ Trần Đăng Khoa với Xuân Diệu như sau: “Hồi nhỏ, Trần Đăng Khoa rất kính trọng nhà thơ Xuân Diệu”. Đọc dòng trên độc giả sẽ hỏi: hồi nhỏ là vậy, còn hiện nay thì sao? Đã khẳng định “hồi nhỏ rất kính trọng” thì hiện nay không thể là “rất kính trọng” được nữa vì nếu trước sau vẫn luôn luôn rất kính trọng thì cần gì tới trạng ngữ “hồi nhỏ”? Ca ngợi như vậy bằng mười phụ nhau!

Cách dùng trạng ngữ như vậy sẽ tạo ra những câu có hàm ý. Những câu sau cũng gây ra những hiểu lầm tai hại cho dù người viết có thể không ngụ ý gì: “Hồi trước, ông ấy liêm khiết lắm”, “Nó đã từng là người tử tế”…

Không sai nhưng không thích hợp tình huống

Nói năng trong giao tiếp bạn bè khác giao tiếp trước công chúng. Trò chuyện trên bàn ăn khác giao tiếp nghi lễ chính thống.

Có những quốc gia quy định về ngôn ngữ văn hoá trong những môi trường nhất định. Tại Quốc hội Israel, một quy định về “đạo đức lời nói” hiệu lực từ 21.6.2001, theo đó có một danh sách các từ mà các ông nghị không được dùng trong Quốc hội: “kẻ phản bội”, “tên thất học”, “tên độc ác”, “kẻ giả dối”, “phátxít”, “tên khủng bố”, “chính phủ của những kẻ giết người”… (TT, 23.6.2001).

Ngoài đường phố, trong quán càphê, khi “tám” với bạn bè có thể dùng ngôn ngữ đường phố, dùng tiếng lóng, nhưng trong nghị trường thì không thể nói: “Tôi đồng ý xử nghiêm. […] Nghiêm ở đây không có nghĩa sai là “chặt chém” ngay, như vậy thì hết người, không có người để làm” (TT, 13.6.2010).

Thay đổi, thêm bớt một từ, một dấu có thể làm nội dung câu khác hẳn đi. Câu đúng đấy nhưng vẫn có thể… sai.

GS.TS Nguyễn Đức Dân

Nguồn: Sài Gòn Tiếp Thị Online

24.11.2010 Posted by | Bài viết | , | 3 bình luận

Lộc vừng ơi!

 

Tác giả: Phương Trà

Thế là có thêm hai cánh cửa kính mờ chặn ở phía ngoài, còn tấm rèm buông ở bên trong phủ lên cây lộc vừng. Kể từ đó, người bạn của tôi cô độc trên mảnh sân phía sau cơ quan.

Không biết bằng cách nào lộc vừng vẫn giữ được màu xanh, trong khi cây hoa sữa và cả bụi trúc ở sân trước đã phờ phạc vì nắng gió. Thi thoảng, nó còn hào phóng thả từng chuỗi hoa đỏ thắm. Rất nhiều khi, mệt phờ vì công việc, tôi đến bên cửa sổ đưa mắt tìm người bạn của mình. Chỉ cần chạm ánh nhìn vào vòm lá ấy là thấy nhẹ nhõm.

Cây lộc vừng dưới sân như chiếc cầu nối hai bờ ký ức. Bờ bên này là một dòng sông nhỏ, vô danh, nơi có chiếc cầu bắc sơ sài bằng hai, ba khúc tre già mà đứa-nhỏ-tôi thường ngồi đung đưa hai chân khoả vào mặt nước mát rượi, hiền lành. Gần cây cầu có một gốc lộc vừng già cả, cũng hoàn toàn vô danh. Bờ bên kia của ký ức là một cái hồ nổi tiếng với những hàng liễu rủ, những cây lộc vừng cổ thụ. Tôi ngồi đó, trước mặt là truyền thuyết vua Lê Thái Tổ trả kiếm cho rùa thần, phía sau là câu chuyện dời đô của vua Lý Thái Tổ. Và còn những ký ức rời rạc nhưng không dễ gì phai nhạt. Ví như trong ban mai tinh khôi bỗng bắt gặp những chiếc xe đạp chở hoa sen, hoa hồng, loa kèn… làm con phố ngát xanh trở nên rạng rỡ và xao xuyến.

Chẳng có mối liên hệ nào giữa cây lộc vừng cô độc trên khoảng sân phía sau cơ quan với cái cây già cỗi bên dòng sông nhỏ vô danh; cũng chẳng có gì giống nhau giữa chúng với những cây lộc vừng bên cái hồ nổi tiếng. Thế nhưng mỗi khi xao xác nhớ về dòng sông tuổi thơ hay cộm lên những hoài niệm, tôi lại muốn được vòm xanh ấy vỗ về…

Nguồn: sgtt.vn

21.10.2010 Posted by | Bài viết | , , | Bình luận về bài viết này

Làm cha mẹ: số không và vô tận

Nhân ngày Phụ Nữ Việt Nam 20/10, taysonquynhon’s Blog xin chúc các bạn phái đẹp ngày càng đẹp, càng xinh ♥&♥

Tác giả: Hương Chi

Các bậc cha mẹ đôi khi, dù vô tình đã đẩy con mình vào một tình thế khó khăn: thành danh trước khi thành nhân, tạo cho con người chỉ biết lấy hơn thua làm lẽ sống, mà đáng ra đây phải là điều ngược lại.

1. Trong chúng ta chắc nhiều người đã từng nghe vài câu nói nổi tiếng của các danh nhân về vai trò của các bậc làm cha mẹ: Không có mẹ hiền, không có hoa hồng, chẳng có anh hùng, chẳng có thi nhân.

Nhà thơ Nguyễn Duy, trong bài Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa cũng đã viết: Mẹ ru cái lẽ ở đời/ Sữa nuôi phần xác, hát nuôi phần hồn. Vai trò này thật là vĩ đại mà tạo hoá đã ban tặng, đã đặt để cho các bậc làm cha mẹ như vậy, thế hệ này nối tiếp thế hệ kia. Bà ru mẹ, mẹ ru con, chịu đựng kham khổ, hy sinh và không cần sự đền trả. Nước mắt chảy xuôi mà. Vòng tròn đó dường như thay đổi theo thời gian và sự phát triển của xã hội, nó có tuân theo quy tắc nào không?

Có bậc cha mẹ nào hoàn hảo, có một kế hoạch chu toàn là mình sẽ dạy con theo nguyên tắc này hoặc cách thức kia, hay đó chính là một cuộc rượt đuổi mà đôi khi, các bậc làm cha mẹ cảm thấy bất lực, mệt mỏi, thất vọng, lo lắng, bối rối vì không có một định đề nào, một khuôn mẫu nào. Cũng có nhiều lúc bạn phải tự vấn lương tâm vì đã có những hành vi hoặc ứng xử không đúng mực với con.

Cũng có lúc bạn rất căng thẳng để tìm ra cách thích hợp giúp con mình vượt qua những khúc quanh trong cuộc sống như: thi rớt, thất bại trong tình yêu, bất hạnh, nghèo khó chẳng hạn. Con đường dịu vợi làm cha mẹ quá dài để một đứa trẻ phát triển cân bằng và hạnh phúc từ khi chúng mới lọt lòng đến 18 năm sau, đến cái tuổi người ta gọi là đã trưởng thành. Với chúng ta, những người theo đạo lý phương Đông, dường như trách nhiệm đó còn dài hơn nữa. Cha mẹ sẽ trở thành ông bà. Hết con đến cháu, cái vòng tròn tạo hoá Trong mắt mẹ con vẫn là bé nhỏ, nhà thơ Phạm Ngọc Cảnh từng viết như vậy tiếp tục quay.

2. Nuôi – dạy con là cả một nghệ thuật. Mà đã là nghệ thuật theo nghĩa đúng của từ này là công việc đầy gian khổ và không có mẫu số chung. Rắc rối và nhạy cảm. Hàng đống sách vở đã từng dạy về điều thiêng liêng này. Tấm gương bà Mạnh Mẫu ba lần dời nhà để con trai có môi trường học hành tử tế, bà Từ Dũ một đời gìn giữ gia phong dòng tộc, nuôi dạy con nghiêm khắc, nên người vẫn như còn nguyên đó. Nhưng những người làm cha mẹ hiện tại đang bị ảnh hưởng rất lớn bởi một nền giáo dục còn quá nhiều bất cập, cũng có người gọi là nền giáo dục đang khủng hoảng, trong một xã hội mà các giá trị bị đảo lộn, tâm lý tự ti của một dân tộc nhỏ đè nén, che khuất cái giá trị văn hoá nền tảng, cái giá trị tinh thần của một con người cần có.

Các bậc cha mẹ đôi khi, dù vô tình đã đẩy con mình vào một tình thế khó khăn: thành danh trước khi thành nhân, tạo một con người chỉ biết lấy hơn thua làm lẽ sống, mà đáng ra đây phải là điều ngược lại. Nhiều bậc cha mẹ đã đặt trên vai con mình những gánh nặng quá sức vì sự hoan hỉ của cha mẹ, sự danh giá của dòng tộc chứ không phải của chúng.

3. Mọi việc sẽ là bình thường khi cha mẹ không đặt ra những yêu cầu phải là thế này hay là thế kia, áp đặt một khuôn mẫu của chính mình lên con cái.

Điều cần nhất là đối với cha mẹ là một tinh thần hay đúng hơn là một nguyên tắc đúng mực. Tinh thần đó thể hiện không chỉ bằng tình thương yêu bao la của cha mẹ. Bởi điều này là hiển nhiên rồi, nếu chỉ có tình thương yêu thì con cái sẽ thiệt thòi lắm. Hãy bắt đầu cùng với con cái ngay từ những ngày đầu tiên. Tập cho con cái có thói quen kỷ luật, nhưng không bắt trẻ làm giống như mình, lúc nào cũng tinh tươm chẳng hạn. Mọi thứ thật tự nhiên, thật phóng khoáng, không căng thẳng.

Trong mọi trường hợp, con trẻ cần nhìn thấy được cha mẹ tôn trọng và chia sẻ. Sau mỗi ngày làm việc trở về nhà, cha mẹ cùng vui đùa với con cái. Không gian hiếu thuận sẽ giúp con tạo nên giá trị và tự nhận thức bản thân một cách đúng đắn. Nhờ thế, điểm vô tận trở nên gần gũi và thực tế hơn.

Nguồn: sgtt.vn

19.10.2010 Posted by | Bài viết | , | Bình luận về bài viết này