taysonquynhon's Blog

Một thời học trò để nhớ về

Người Mỹ chưa bao giờ từ bỏ giấc mơ chinh phục sao Hỏa

Bằng chứng cho nỗ lực chinh phục sao Hỏa của họ sẽ là chuyến bay thử nghiệm lần đầu tiên của phi thuyền Orion sẽ diễn ra vào sáng 4.12 (theo giờ của Mỹ). 

Hành trình bay của tàu Orion sẽ kéo dài 4,5 giờ và bay quanh trái đất 2 vòng ở cao độ 3.600 dặm so với bề mặt trái đất.

chinh phuc sao hoa
Hình minh họa thiết kế của phi thuyền Orion trong chuyến bay thử nghiệm đầu tiên
sẽ diễn ra vào ngày 4.12 

Đây là độ cao “đỉnh” nhất vì chưa có phi thuyền nào có thể bay ở độ cao tương tự trong vòng 40 năm qua. Chiều dài bay thử nghiệm của Orion cũng dài gấp 15 lần cột mốc các trạm không gian – trái đất.

Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) cho hay, không có bất cứ phi hành gia nào có mặt trên phi thuyền Orion trong chuyến bay thử nghiệm này.

William Hill, một quan chức cấp cao của NASA cho hay kế hoạch bay thử nghiệm Orion là dự án quan trọng nhất trong năm của NASA.

Do Orion có sứ mạng thâm nhập sâu vào khoảng không gian bên ngoài trái đất, nên thiết kế của Orion không giống với thiết kế của các mô-đun chở người và chở hàng mà các hãng Space X và Boeing từng làm. Các nhà khoa học kỳ vọng Orion có thể giúp con người khám phá những nơi mà họ chưa bao giờ có thể đến được trong quá khứ.

Kể từ khi Neil Amstrong đặt chân lên mặt trăng vào năm 1969 và Eugene Cernan là người cuối cùng làm điều tương tự vào 1972, Cernan từng dự đoán con người sẽ đến sao Hỏa vào cuối thế kỷ 20. Nay ông thừa nhận dự báo của ông đã chậm trễ một chút. Và các nhà khoa học ở NASA hy vọng tàu Orion sẽ hiện thực hóa viễn cảnh con người chinh phục sao Hỏa của Cernan.

Là người đặt chân lên mặt trăng 42 năm về trước, Cernan từng tỏ ra chán chường với việc chương trình chinh phụ vũ trụ của Mỹ bị gián đoạn trong nhiều năm. Theo ông, không có lý do gì mà người Mỹ không thể chinh phục được sao Hỏa.

chinh phuc sao hoa
Phi hành gia Eugene Cernan là người cuối cùng lên mặt trăng vào 1972 . Ông từng dự đoán con người có thể chinh phục sao Hỏa vào cuối thế kỷ 20.

Tàu Orion là sản phẩm của chương trình vũ trụ do cựu Tổng Thống George W. Bush đứng ra điều hành. Chương trình này có tham vọng đưa người Mỹ trở lại với mặt trăng vào năm 2020. Tuy nhiên, khi ông Obama lên nhậm chức đãthay đổi mục tiêu chương trình.

Ông tuyên bố mục tiêu chinh phục của NASA vào năm 2020 phải là sao Hỏa vì người Mỹ đã đặt chân lên mặt trăng từ lâu rồi.

Chỉ trong gần 10 năm kể từ khi hãng Lockheed nhận hợp đồng thiết kế phi thuyền Orion, NASA đã chi hơn 9 tỉ USD. NASA ước tính họ phải mất hơn 30 tỉ USD và 20 năm nữa để thực hiện được mục tiêu chinh phục sao Hỏa của Orion.

NASA cũng đang trong quá trình thiết kế một bệ phóng tên lửa để đưa Orion tiến sâu vào không gian. Tên lửa hạng nặng Delta IV sẽ được dùng để phóng tàu Orion trong cuộc chuyến bay thử nghiệm sẽ diễn ra vào thứ Năm tuần này.

Theo các nhà khoa học, Orion sẽ gặp vô vàn khó khăn trong chuyến hành trình đầu tiên của mình. Nó phải chống chọi lại với bức xạ không gian. Tàu phải chịu nhiệt độ cao, khoảng 4.000 độ F, trong lúc di chuyển với tốc độ 20.000 dặm một giờ.

Nếu mọi việc suôn sẻ, NASA sẽ thực hiện chuyến bay thứ hai của Orion vào năm 2018. Sớm nhất là năm 2021, Orion mới có thể lần đầu tiên chở người vào không gian, ông Mark Geyer, Giám đốc Chương Trình Orion của NASA cho biết.

Nguyễn Thị Quỳnh Như (theo Washington Post)
Nguồn: http://motthegioi.vn/khoa-hoc-giao-duc/nguoi-my-chua-bao-gio-tu-bo-giac-mo-chinh-phuc-sao-hoa-127990.html

03.12.2014 Posted by | Tin khoa học, Web hay | , | Bình luận về bài viết này

Âm nhạc vui có tác dụng như sex

Não của những người yêu âm nhạc giải phóng một hóa chất mang đến cảm giác vui sướng, giống như khi họ ăn, yêu hoặc được thưởng khoản tiền lớn.

Ảnh minh họa: blogspot.com.

Ảnh minh họa: blogspot.com.

AFP đưa tin các nhà nghiên cứu của Đại học McGill tại Canada tuyển 8 tình nguyện viên trong độ tuổi 19-24 để thực hiện một nghiên cứu liên quan tới âm nhạc. Những người này được chọn trong số 217 người đăng ký vì họ thực sự đạt tới trạng thái ngây ngất khi nghe bản nhạc có giai điệu vui nhộn mà họ yêu thích.

Các chuyên gia dùng máy chụp cắt lớp bức xạ positron để theo dõi não của tình nguyện viên trong lúc họ nghe bản nhạc yêu thích. Họ cũng gắn các cảm biến lên cơ thể tình nguyện viên để theo dõi nhịp tim, nhiệt độ, nhịp thở và độ dẫn điện của da.

Chụp cắt lớp bức xạ positron là một kỹ thuật mới của ngành y học hạt nhân, trong đó máy sử dụng các hạt phát positron để định vị khối u và một số bệnh lý phức tạp khác. Máy cũng có thể phát hiện raclopride, thụ thể của dopamine trong tế bào não.

Kết quả cho thấy nhiều hoạt động thể chất diễn ra trong cơ thể tình nguyện viên khi họ nghe bản nhạc ưa thích có giai điệu rộn ràng, đồng thời não giải phóng dopamine khi họ rơi vào trạng thái ngây ngất. Nhưng ngay cả khi họ chưa đạt tới trạng thái ngây ngất thì não vẫn tiết ra dopamine. 

Tuy nhiên, dopamine không được giải phóng khi nhóm người tình nguyện nghe những bản nhạc trung tính (không rộn ràng nhưng cũng không buồn). Nhiều thử nghiệm trước đây cho thấy những bản nhạc như thế khiến cảm giác hưng phấn giảm.

Giới khoa học coi dopamine là loại hóa chất cần thiết đối với sự sinh tồn của con người. Nó khiến chúng ta cảm thấy sung sướng khi thực hiện những hành động cơ bản trong cuộc sống như ăn, uống, sưởi ấm. Khi con người được thưởng tiền, nói chuyện với người yêu hay sử dụng ma túy, dopamine cũng xuất hiện trong não. Nhưng âm nhạc là một thứ trừu tượng, không cần thiết đối với sự sinh tồn và cũng chẳng quan trọng như tiền hay tình yêu.

Nhóm nghiên cứu cho rằng âm nhạc tồn tại trong mọi nền văn hóa, từ thế hệ này sang thế hệ khác do nó mang đến nhiều trạng thái tâm lý – như kỳ vọng, thỏa mãn, chờ đợi, căng thẳng, ngạc nhiên, hưng phấn.

Minh Long

Nguồn: http://vnexpress.net/tin-tuc/khoa-hoc/am-nhac-vui-co-tac-dung-nhu-sex-2185082.html

07.08.2013 Posted by | Bài viết, Tin khoa học | | 1 bình luận

6 BÍ QUYẾT THÀNH CÔNG CỦA STEVE JOBS

Ngày 5/10 vừa qua, thế giới đã mất đi một huyền thoại về công nghệ và sáng tạo Steve Jobs. Người đã thổi hồn vào những chiếc điện thoại iPhone, máy nghe nhạc iPod, máy tính bảng iPad và máy tính Macbook, đưa chúng trở thành những món hàng công nghệ được săn đón nhất thế giới.

Steve Jobs ra đi, ông không chỉ để lại cho thế giới những kiệt tác công nghệ mà còn là những bài học về một thái độ sống tích cực, niềm đam mê và sự nỗ lực không mệt mỏi. Đây chính là những bí quyết giúp Steve vượt qua những khó khăn và vấp ngã để đến đỉnh thành công. Hãy học hỏi từ Steve: “Hãy luôn khao khát, hãy cứ dại khờ!”

1.  Làm điều bạn yêu thích

Theo Steve: “Hãy tìm kiếm nỗi đam mê đích thực của bạn. Hãy làm điều bạn yêu thích và tạo sự khác biệt! Cách duy nhất để đạt đến thành công tột bậc là yêu thích những gì bạn làm”

Hoàn toàn đúng! Làm một công việc bạn không thích thì cũng giống như nồi tròn mà úp vung méo. Mỗi ngày bạn đều cố gắng hết sức mình để làm việc, nhưng không bao giờ thật sự đạt được thành công mà bạn cảm thấy mình đáng được nhận.6 BÍ QUYẾT THÀNH CÔNG CỦA STEVE JOBS

Mỗi ngày làm việc là một trận chiến – hoặc ít nhất cũng là một chướng ngại cần vượt qua – bởi vì bạn chỉ cố gắng làm việc cho hết ngày để tối được về nhà, chứ không vui thú gì với công việc.

Khi bạn chỉ chú tâm làm việc cho hết ngày, hoặc tốn thời gian vào những dự án hoặc tác vụ không thú vị, bạn làm công việc khó khăn hơn cho chính mình. Khi bạn có sự đam mê, và bạn yêu thích những gì bạn làm, bạn sẽ làm việc với hiệu suất cao hơn, năng nổ và vui vẻ hơn với mọi người. Bối cảnh nào bạn nghĩ sẽ mang đến thành công một cách nhanh chóng và dễ dàng nhất? Câu trả lời thật quá rõ ràng!

Vì thế, nếu bạn muốn thật sự thành công trong cuộc sống, đầu tiên, bạn phải dành thời gian và công sức để nhận ra bạn yêu thích việc gì, và sau đó tìm một chiến lược để đạt được nó. Việc này nghe có vẻ đơn giản, nhưng không phải lúc nào cũng dễ làm. Bạn cần chuẩn bị sẵn sàng để tự tiến hành tìm kiếm và khám phá đam mê thật sự của mình là gì (không phải cái bạn nghĩ đồng nghiệp, gia đình, bạn bè và xã hội trông đợi ở bạn). Việc ba mẹ của bạn muốn bạn trở thành một luật sư hay kế toán viên hàng đầu không đồng nghĩa với việc bạn sẽ tìm thấy thành công và niềm đam mê trong công việc đó.

2. Tầm nhìn xa

Theo Steve, “Bạn không nên lo lắng về quá nhiều việc cùng một lúc. Hãy bắt đầu từ một vài việc đơn giản, sau đó mới chuyển qua những việc phức tạp hơn. Hãy suy tính không chỉ cho ngày mai, mà còn cho tương lai.”

Sự quá tải vì công việc có thể cản bước tiến của bạn trên con đường công danh sự nghiệp. Đây là một bệnh dịch ác hiểm, có thể “đè bẹp” nhiều người trên hành trình đến thành công. Vì thế, bạn phải luôn giữ được sự tập trung. Sự quá tải vì công việc “lẳng lặng” đến khi chúng ta quên mất mục tiêu chính của mình và để nhiều việc khác tràn ngập trí não của chúng ta. Một khoảnh khắc bạn tập trung vào một việc tối quan trọng, có thể giúp bạn nhanh chóng đạt đến thành công. Tuy nhiên, ở phút kế tiếp, bạn lại mãi nghĩ về cả trăm việc khác bạn cần làm, và thế là sự quá tải đến!

3.  Hãy nêu cao tinh thần doanh nhân

Steve nói “Hãy tìm kiếm ý tưởng lớn kế tiếp. Tìm ra những ý tưởng cần được hiện thực hóa một cách nhanh chóng và quyết đoán rồi “nhảy” vào thực hiện nó. Đôi khi bước đầu tiên chính là bước khó khăn nhất. Hãy đi bước đầu tiên này! Hãy mạnh dạn theo đuổi tình cảm và trực giác của bạn.”

Không ít lần tôi tình cờ gặp những người thông minh và khôn ngoan đến tuyệt vời. Họ có những ý tưởng rất hay hoặc khả năng kinh doanh, nhưng họ không sẵn sàng để thực hiện “cú nhảy” mà Steve đề cập. Vấn đề ở đây là họ biết họ muốn cái gì, nhưng lại chưa tìm ra cách để có được chúng. Vì thế, họ dừng lại và không tiến thêm nữa.
Mặc dù có một kế hoạch hay chiến lược để hiện thực hóa ý tưởng là rất quan trọng, không nên để việc quá chú trọng vào “LÀM CÁCH NÀO đạt những mục tiêu” khiến công việc của bạn bị đình trệ. Đôi lúc bạn không thể nào biết được tất cả các câu trả lời. Không sao cả, cứ tiếp tục công việc, từng bước một. Cuối cùng, tất cả những chi tiết bạn cần biết sẽ lộ ra. Còn nếu không làm gì cả, bạn sẽ chẳng tiến được đến đâu

Ca sĩ/tay guitar nổi tiếng Jim Rowland đã từng nói “Sự kỷ luật chỉ nặng một ounce còn sự hối tiếc nặng đến một tấn” (1 tấn = 32 000 ounce). Hãy duy  trì tính kỷ luật và lòng dũng cảm để tiến về phía trước theo từng bước nhỏ, và bạn sẽ không bao giờ phải hối tiếc về những tiến bộ bạn đã đạt được.

4. Hãy tạo sự khác biệt 

Theo Steve “Hãy tạo sự khác biệt. Hãy suy nghĩ khác mọi người. Chẳng thà làm một tên cướp biển còn hơn là gia nhập đội ngũ hải quân”

Tôi thích câu này của Steve vì cả từ “hải quân” và “cướp biển” đều gợi nhớ cho tôi nhiều điều! Tôi đã làm việc 14 năm trong môi trường công ty (chưa kể một khoảng thời gian ở trong quân dự bị) nhưng tôi đã vứt bỏ những điều đó để thành lập công ty Outshine Consulting and The Success Rules. Hiện tại không có sự lựa chọn nào tốt hơn cái nào, nhưng tôi nghĩ điểm mấu chốt cần suy nghĩ ở đây là bạn muốn nắm giữ vị trí gì trong cuộc sống.
Nếu chúng ta sống trong một thế giới liên tục thay đổi, chúng ta sẽ cảm thấy mọi thứ đều hỗn loạn.

Tuy nhiên, để trở thành một doanh nhân thành công như Steve Jobs, điều tối quan trọng là bạn phải liên tục tìm cách thay đổi hiện trạng (status quo), tìm kiếm những ý tưởng mới, có đầu óc cách tân và sáng tạo. Việc làm theo những gì có sẵn nhiều khả năng sẽ tạo ra những kết quả cũ hơn là những cái hiện đại và mới mẻ.

Bạn muốn có sự thách thức và thay đổi, hay bạn thích sự ổn định? Hãy thành thật với chính bản thân bởi vì không phải ai cũng có thể làm lính hải quân, và không phải ai cũng có thể làm hải tặc giỏi!

5. Nỗ lực hết mình

Theo Steve “ Hãy nỗ lực hết mình khi làm bất cứ việc gì. Thành công sẽ tạo ra thành công. Vì thế hãy khát khao thành công”

Nếu bạn “mắc kẹt” trong việc suy nghĩ xem làm cách nào để thành công, hoặc chờ đợi thành công đến với mình, bạn sẽ dậm chân tại chỗ. Thành thật mà nói, đứng yên tại chỗ cho thấy bạn không thật sự khát khao thành công.

Bạn cần tiếp tục công việc, và phải năng động vì mỗi một thành công bạn có – dù nhỏ đến đâu – sẽ giúp tạo ra nhiều và nhiều thành công về sau. Khi động lượng tăng lên thì mức độ thành công của bạn cũng tăng theo. Đến lượt mình, nó lại tạo ra thêm nhiều động lượng và động lực làm việc. Trong điều kiện lý tưởng nhất, đó chính là hiệu ứng quả cầu tuyết (Khi một quả cầu tuyết lăn xuống dốc, nó tích lũy thêm nhiều tuyết bám trên bề mặt nên ngày một lớn hơn) Tuy nhiên, bạn vẫn cần có lòng khao khát để đạt được mục tiêu và sẵn lòng hành động để trải nghiệm nó

6. Không ngừng học hỏi

Theo Steve “Lúc nào cũng có một cái gì đó mới mẻ để bạn học! Trao đổi ý kiến, học hỏi từ khách hàng, đối thủ cạnh tranh và đối tác. Nếu bạn làm việc với một người bạn không thích, hãy học cách thích họ. Hãy khen ngợi họ và thu được lợi ích gì đó từ họ.”

Nếu năng lực của bạn không gia tăng, bạn sẽ chết dần. Đây có thể là một câu khó nuốt, nhưng đó là sự thật. Nếu không phát triển, học hỏi và trưởng thành, bạn sẽ trở nên ốm yếu và chết dần. Bạn muốn mình rơi vào trường hợp nào?

Steve Jobs rõ ràng có được sự cân bằng. Ông không đạt được thành công như ngày hôm nay bằng cách nghỉ ngơi và tận dụng những tri thức sẵn có. Ông liên tục sáng tạo và đổi mới. Điều này chỉ có thể đạt được từ việc không ngừng học hỏi.

Thông qua việc xây dựng một mạng lưới quan hệ xã hội hữu hiệu, bạn có thể học được nhiều điều từ những người thông thái. Họ có thể thách đố tư duy của bạn và giúp bạn phát triển ý tưởng và chiến lược mới để đạt được thành công. Học tập cũng giống như tiêu tiền. Bạn có thể mở mang kiến thức mỗi ngày bằng cách nhận thức ưu điểm của những người xung quanh bạn, hoặc đọc sách thay vì ngồi trước màn hình. Sự lựa chọn là của bạn.

(Theo Ezinearticles.com)

Nguồn: http://advice.vietnamworks.com/vi/career/bai-hoc-thanh-cong/6-bi-quyet-thanh-cong-cua-steve-jobs.html?utm_source=JSNL&utm_medium=JSNL_Article_more&utm_campaign=JSNL_01NOV11

02.11.2011 Posted by | Giáo dục, Tin khoa học | | Bình luận về bài viết này

Những ông bố tuyệt vời trong thế giới động vật

Cú sừng lớn, chim hồng hạc, cáo đỏ được mệnh danh là “người chồng chung thủy, ông bố mẫu mực” trong thế giới loài vật, do tạp chí National Geographic bình chọn.

Cú sừng lớn được mệnh danh là một “người chồng” rất yêu thương vợ, “người cha” chăm chỉ. Cuối mùa đông, khi những con cái nằm trong tổ ấp trứng, thì những con đực đi khắp nơi để kiếm ăn cho cả hai.
Chim hồng hạc không chỉ là một “người chồng” rất yêu vợ mà còn là một ông bố rất chu đáo. Loài này sống theo đàn lên đến hàng trăm nghìn con, nhưng vẫn chung thủy với lối sống “một vợ một chồng”.
Cáo đỏ là một ông bố chu đáo, yêu thương các con. Chúng rất thích chơi đùa với con và giữ trọng trách mang thức ăn về cho cả nhà. Sau ba tháng, cáo con phải tự đi kiếm thức ăn, nhưng cáo cha lại không muốn con mình bị đói, nên giấu thức ăn ở gần nơi sống và dạy các con cách đánh hơi tìm thức ăn.
Trên trái đất, cá ngựa là loài duy nhất mà con đực mang thai và ấp trứng thay cho con cái. Khi cá ngựa con nở, những con cá ngựa vẫn ở trong túi ấp của cha, cho đến khi trưởng thành, chúng mới tự bơi ở ngoài.
Sau khi đẻ trứng, những con chim cánh cụt cái sẽ đi kiếm ăn trên biển, những chú cánh cụt hoàng đế sẽ ở lại giữ ấm bảo vệ những quả trứng. Trong khoảng thời gian hai tháng, cánh cụt hoàng đế không ăn gì. Khi những chú chim cánh cụt con ra đời, chim cánh cụt bố sẽ làm nhiệm vụ chăm sóc các con, cho chúng ăn sữa từ tuyến sữa trong thực quản. Khi chim mẹ trở về đem theo thức ăn cho con, các con chim cánh cụt đực mới được đi kiếm ăn.
Sư tử đực châu Phi luôn đứng ra bảo vệ khi gia đình nó bị đe dọa.
Khỉ đột đực có lưng màu bạc, đóng vai trò là trụ cột gia đình và rất nghiêm khắc. Chúng có thể lãnh đạo nhóm gồm 30 con khỉ khác từ việc kiếm ăn cho đến giải quyết những tranh chấp trong gia đình, và chiến đấu chống thế lực bên ngoài.

Hương Thu (Ảnh: NatGeo)

Nguồn:  http://vnexpress.net/gl/khoa-hoc/2011/06/nhung-ong-bo-tuyet-voi-trong-the-gioi-dong-vat/

29.06.2011 Posted by | Thiên nhiên, Tin khoa học | , | Bình luận về bài viết này

Giáo sư Ngô Bảo Châu giảng bài tại Viện Toán cao cấp

Từ 23/6, Giáo sư Ngô Bảo Châu đã bắt đầu ba tháng làm việc hè tại Việt Nam trên cương vị Giám đốc khoa học của Viện nghiên cứu cao cấp về Toán.

Trong buổi làm việc đầu tiên tại Viện Toán cao cấp, giáo sư Ngô Bảo Châu đã trình bày về “Các dạng tự đẳng cấu” (tạm dịch từ Automorphic Forms). Bài giảng kéo dài hơn hai giờ với sự tham dự của các nhà toán học tên tuổi trong nước, giảng viên đại học và cán bộ nghiên cứu toán học tại các viện.

Bài giảng của giáo sư Ngô Bảo Châu cuốn hút người tham dự bởi anh giảng mà như đang kể lại câu chuyện toán học xuyên qua hơn hai chục thế kỷ. Trong bài giảng cũng có phần liên quan tới chứng minh của giáo sư cho Bổ đề cơ bản do R.Langlands phỏng đoán.

Giáo sư Ngô Bảo Châu bắt đầu 3 tháng hè làm việc tại Việt Nam. Ảnh: Hoàng Thùy.

Trước đó ngày 19/8/2010, giáo sư Ngô Bảo Châu giành huy chương Fields – giải thưởng toán học cao quý nhất thế giới, đưa Việt Nam trở thành quốc gia châu Á thứ hai sau Nhật có nhà toán học đoạt giải Fields.

Ngày 9/3 vừa qua, Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã trao quyết định bổ nhiệm giáo sư Ngô Bảo Châu giữ chức Giám đốc Viện nghiên cứu cao cấp về Toán với thời gian ba năm theo chế độ kiêm nhiệm. Hàng năm, giáo sư sẽ trở về và làm việc ba tháng hè tại Việt Nam.

Hoàng Thùy

Nguồn: http://vnexpress.net/gl/xa-hoi/giao-duc/2011/06/giao-su-ngo-bao-chau-giang-bai-tai-vien-toan-cao-cap/

25.06.2011 Posted by | Giáo dục, Tin khoa học | , | 1 bình luận

Những chân trời thời gian

Tác giả: Lý Lan
Trong hơn một thập niên qua, mỗi năm một câu hỏi đã được đặt ra cho những trí thức dẫn đường trên thế giới thảo luận. Tổ chức đặt ra câu hỏi đó là Edge Foundation, những ý kiến tranh luận sau đó được tập hợp biên soạn thành sách.

Câu hỏi của năm 2011 được đưa ra vào tháng giêng, đến nay đã có 164 ý kiến đóng góp của 164 học giả thuộc nhiều ngành học thuật khác nhau. Câu hỏi là Khái niệm khoa học nào sẽ phát triển bộ công cụ nhận thức của mọi người? (What scientific concept would improve everybody’s cognitive toolkit?). Có thể đọc tất cả những ý kiến đó trên website của Edge (edge.org). Nhiều ý kiến khác nhau, không phải tất cả đều mới mẻ độc đáo hay xuất chúng, nhưng có thể từng người đọc sẽ bắt gặp những ý tưởng gợi nên cảm hứng mạnh mẽ đối với riêng mình. Chẳng hạn với tôi là khái niệm “Thời gian sâu” của Martin Rees.

“Chúng ta cần mở rộng những chân trời thời gian của chúng ta”, Martin Rees bắt đầu sau cái tựa “Thời gian sâu” và tương lai xa.

Martin Rees là giáo sư môn Vũ trụ học và Vật lý học thiên thể, hiệu trưởng Trinity College thuộc Đại học Cambridge, một người Anh quí tộc, được phong Nam tước Rees xứ Ludlow, chủ tịch danh dự Hội Hoàng gia, nhà thiên văn của triều đình Anh, được trao rất nhiều danh vị cùng giải thưởng sáng giá, và được mượn tên đặt cho một hành tinh: ngôi sao 4587Rees. Một trong những quyển sách nổi tiếng của ông, xuất bản năm 2003, có tựa Giờ cuối cùng của chúng ta: Một cảnh cáo của nhà khoa học: Tai họa môi trường, sai lầm và khủng bố đe dọa tương lai nhân loại như thế nào trong thế kỷ này – trên và ngoài mặt đất. Câu hỏi lớn Rees đặt ra vào thời điểm đó là liệu nhân loại có tồn tại đến hết thế kỷ 21?

Quyển sách mới nhất của ông hiện đang được quảng bá nhưng chưa phát hành có tựa Điều chúng ta còn chưa biết, dựa trên một bộ phim ba phần mà ông đã thực hiện từ năm 2004, đặt ra những câu hỏi: Chúng ta có thực không? Tại sao chúng ta hiện hữu nơi đây? Và ngoài chúng ta còn ai khác nữa?

Với máy tính cầm tay, thậm chí cái điện thoại di động thông minh, chúng ta tưởng như mình có thể biết tất cả nếu sục vào lượng thông tin khổng lồ mà nhân loại đã tạo ra. Chúng ta cũng dễ tự hào và tin tưởng thành tựu khoa học kỹ thuật căn cứ vào những gì chúng ta đang thụ hưởng với một cái giá tương đối phải chăng. Quả thực khoa học ở thế kỷ 21 đã đạt những thành tựu diệu kỳ. Thế nhưng theo Martin Rees thì 95% của vũ trụ là những “vật chất tối” không thể nhận ra. Có phải đó chính là “cái” đang vận hành vũ trụ, cái đó vĩnh cửu hay hữu hạn? Mà vũ trụ của chúng ta là vũ trụ duy nhất, hay còn vô số vũ trụ khác nữa? Chúng vận hành cùng qui luật vật lý như chúng ta biết hay khác hẳn. Và trong vũ trụ hay những hệ thống tinh tú khác có sự sống phức tạp không, nếu có thì họ khôn dại hơn ta cỡ nào? Có hình thái sống nào đủ tiên tiến để sáng tạo ra những vũ trụ mới theo thiết kế của mình?

Chúng ta cần mở rộng những chân trời thời gian của chúng ta. Đặc biệt, chúng ta cần ý thức rộng hơn và sâu hơn rằng còn rất nhiều thời gian ở phía trước so với thời gian đã trôi qua từ trước đến giờ.” Martin Rees giải thích: “Sinh quyển hiện nay của chúng ta là kết quả của hơn bốn tỷ năm tiến hóa; và chúng ta có thể lần theo dấu lịch sử vũ trụ đến “vụ nổ lớn” xảy ra khoảng 13,7 tỷ năm trước. Những khoảng thời gian dằng dặc của quá khứ tiến hóa giờ đây là bộ phận của tri thức và văn hóa chung.” Chúng ta nói “xưa như trái đất”, “sầu vạn cổ”, “từ thuở khai thiên lập địa”, “ngày xửa ngày xưa ấy”… và có thể hình dung quá khứ mười mấy tỷ năm.

Còn tương lai? Chúng ta tính đời người đến trăm năm, vận nước đến muôn năm, tham vọng quyền lực đến “vạn vạn tuế” là cùng. Martin Rees viết “những chân trời thời gian mênh mông trải ra phía trước chúng ta chưa ngấm vào văn hóa chúng ta ở mức độ tương đương ý thức về thời gian quá khứ. Mặt trời của chúng ta còn chưa trải hết một nửa đời nó. Mặt trời được hình thành cách đây 4 tỷ rưỡi năm, và nó còn đủ năng lượng để tự đốt mình trong hơn 6 tỷ năm nữa.” Khoảng vài ngàn năm nay chúng ta đã hình dung về ngày “tận thế”, và tiên đoán bằng những khoảng thời gian ngắn hơn tuổi thọ của Mặt trời. Nhưng có “tận thế” không sau khi Mặt trời không còn nữa? Theo Martin Rees thì vũ trụ vẫn tiếp tục phồng ra, lạnh hơn và trống trải hơn, nhưng cứ phồng ra mãi, có thể mãi mãi. Ít nhất thì đó cũng là khả năng nhìn xa nhất về tương lai của những nhà vũ trụ học hiện nay, mặc dù một số chỉ ước đoán vũ trụ tồn tại thêm vài chục tỷ năm nữa thôi.

Rees cho là ý thức về “thời gian sâu” ở phía trước vẫn còn chưa sâu trong văn hóa con người. Chúng ta tưởng con người đã là đỉnh cao của tiến hóa. Nhưng các nhà vũ trụ học nghĩ hoàn toàn ngược lại. Họ tin là con người vẫn chưa đạt tới bậc giữa của thang tiến hóa. Theo Rees, “Còn rất nhiều thời gian cho tiến hóa sau-người, ở đây trên mặt đất, hay ở ngoài Trái đất, có hệ thống hay phi hệ thống, để tăng sự đa dạng hơn nữa, thậm chí có những thay đổi về chất lượng lớn lao hơn, so với những thay đổi từ những sinh vật đơn bào đến nhân loại.” Những nhà thiên văn như Martin Rees biết là trong vũ trụ, nơi sự sống lan tỏa, rất rộng lớn và đa dạng, “loài người chắc chắn không phải là nhánh tận cùng của cái cây tiến hoá, mà chỉ là một loài xuất hiện sớm trong lịch sử vũ trụ, với triển vọng đặc biệt đối với sự tiến hóa phong phú đa dạng.”

Thử vô sở thú quan sát con khỉ dã nhân với ý thức đó là loài ở dưới loài người một bậc thang tiến hóa. Rồi tưởng tượng sẽ có (hay đã, đang có?) một loài gì đó tiến hóa hơn loài người một bậc. Có lẽ loài ấy nhìn loài người như cách chúng ta đang nhìn loài khỉ. Nhưng Martin Rees an ủi: “điều này không làm sút giảm thân phận loài người. Con người chúng ta có quyền cảm thấy vô cùng quan trọng với tư cách là loài đầu tiên được ghi nhận với năng lực tạo hình di sản tiến hóa của mình.

Nguồn: http://www.tiasang.com.vn/Default.aspxtabid=111&CategoryID=2&News=4043

11.05.2011 Posted by | Tin khoa học | , , , | Bình luận về bài viết này

Bản đồ ba chiều mới nhất về vũ trụ

Các nhà thiên văn học vừa hoàn thành bản đồ vũ trụ theo không gian ba chiều thuộc loại lớn nhất và chi tiết nhất từ trước đến nay. Các phiên bản trước chỉ có thể xác định được vị trí của các thiên hà cách trái đất bảy tỉ năm ánh sáng. Lần này, phiên bản mới ghi lại bản đồ của các đám mây hydro cách trái đất từ 10 tới 12 tỉ năm ánh sáng. Điều này giúp cho các nhà thiên văn có thể tìm được lời giải về bản chất của năng lượng tối.

Nhà nghiên cứu vũ trụ Anze Slosar (phòng thí nghiệm Brookhaven), một trong những nhà khoa học tham gia giới thiệu bản đồ 3D ở cuộc họp hội Vật lý Mỹ, tại Anaheim, California, nói: “Chúng tôi đang tìm trong dữ liệu để biết được vũ trụ đang dãn nở nhanh như thế nào”.

Nhờ hệ thống kính thiên văn đa mục đích được bố trí tạo thành hệ thống trắc đạt dao động quang phổ Baryon (BOSS), các nhà nghiên cứu có thể phân tích ánh sáng từ mỗi chuẩn tinh. Theo Slosar, chuẩn tinh là các thiên thể ở rất xa mà trung tâm của nó là một lỗ đen có sức hút mạnh mẽ, có thể nuốt chửng vật chất xung quanh, đồng thời phát ra năng lượng rất lớn.

Ánh sáng từ các chuẩn tinh tập trung thành từng tia. Trên đường đến trái đất, các tia này bị khí hydro hấp thụ, rồi ánh sáng phát xạ lại thành các tia có bước sóng khác nhau, tạo thành một dãi quang phổ rất đặc trưng cho từng chuẩn tinh. Do các tia đi ngang qua không gian và thời gian, nên các nhà khoa học có thể sử dụng quang phổ của tia để ước lượng đám mây hydro đang co hay giãn theo thời gian.

Hiện nay, nhóm hợp tác đang phân tích 14 ngàn trong tổng số 160 ngàn chuẩn tinh. Vào năm 2014, các nhà khoa học hy vọng họ có thể cắt lớp được từ 50-60 ngàn chuẩn tinh đủ để biết được số phận của vũ trụ.

Chuẩn tinh là gì?

Các nhà thiên văn đã khám phá ra một loại thiên thể mà hình ảnh của chúng không trải rộng ra như hình ảnh của một thiên hà mà có dạng gần tròn và hữu hạn trông giống các ngôi sao thông thường trong Dải Ngân Hà. Tuy nhiên, các phép đo phổ lại cho thấy rằng phổ của chúng bị dịch chuyển nhiều về phía bước sóng dài, gợi lên rằng các vật thể này phải ở xa bên ngoài Thiên Hà của chúng ta. Vì Vũ trụ đang giãn nở, tất cả các thiên hà đều chạy ra xa chúng ta và các vạch phổ của chúng dịch chuyển về phía đỏ theo định luật Doppler. Thiên thể càng ở xa càng lùi nhanh ra xa và độ dịch chuyển về phía đỏ của chúng càng lớn. Mối liên hệ này cũng áp dụng cho các quasar. Do đó, các quasar ở cách chúng ta rất xa.

Thực chất, quasar sáng gấp hàng ngàn lần các thiên hà sáng nhất mặc dầu các quasar hiện ra như những vật thể rất mờ trên bầu trời vì chúng ở xa. Quasar thuộc vào những loại thiên thể sáng nhất trong Vũ trụ. Các nghiên cứu quang phổ đã cho thấy rằng bức xạ của quasar được phát ra bởi các khí nóng tương tự như các khí được tìm thấy ở trung tâm các thiên hà có dạng bất thường có nhân rất hoạt động và rất sáng. Các vạch phát xạ của chúng trải rộng ra. Điều đó cho thấy rằng các đám mây khí nóng trong các quasar chuyển động với tốc độ hàng trăm kilomet mỗi giây. Các quasar cũng là những nguồn phát xạ tia X và vô tuyến rất mạnh. Điều khá kỳ lạ là tất cả năng lượng này được giữ trong một thể tích có đường kính chỉ vài năm ánh sáng – một thể tích cực kỳ nhỏ so với kích thước của thiên hà, khoảng 100.000 năm ánh sáng.

Phi Giao (Theo WIRE.COM, VIETSCIENCE)

Nguồn: http://sgtt.vn/Khoa-giao/144130/Ban-do-ba-chieu-moi-nhat-ve-vu-tru.html

06.05.2011 Posted by | Tin khoa học | , , | Bình luận về bài viết này

Sự giật mình của lý trí

Tác giả: Giáp Văn Dương

Sự bất định và bất toàn về bản chất của tự nhiên, được kiểm chứng và đóng dấu xác nhận của những ngành khoa học được coi là chặt chẽ nhất, đã làm rúng động nhận thức của loài người mà biểu hiện quan trọng nhất là sự tỉnh ngộ của con người về giới hạn hiểu biết của mình; chấp nhận những ý kiến khác mình như một sự bổ sung cho hiểu biết. Nói cách khác, lý trí đã giật mình, con người đã biết khiêm tốn và chấp nhận những tri thức khác mình, thậm chí coi “đối lập như một sự bổ trợ” cần thiết.

Thời kỳ Khai sáng trong triết học châu Âu diễn ra từ nửa sau thế kỉ 17, khởi đầu bởi sự ảnh hưởng của cuộc cách mạng trong khoa học tự nhiên tiên phong bởi Galileo, Newton, ban đầu ở Anh, sau đó lan sang Pháp, Đức, châu Âu nói chung, và sau đó ra khỏi châu Âu sang Mỹ, Nhật. Theo đó, lý trí được coi như ánh sáng đối chọi lại tăm tối của sự phi lý và u mê. Chính vì thế màI.Kant đã định nghĩa: “Khai sáng là sự thoát khỏi tình trạng thiếu trưởng thành do chính mình gây ra. Sự thiếu trưởng thành này là thiếu khả năng sử dụng lý trí của mình mà không cần sự dẫn dắt của kẻ khác. Nguyên nhân của sự thiếu trưởng thành không phải là do thiếu tri thức, mà do thiếu sự quyết đoán và lòng dũng cảm để sử dụng lý trí của mình khi vắng mặt sự chỉ dẫn từ kẻ khác.”

Như thế, khai sáng chính là quá trình tự do sử dụng lý trí của mình để tư duy, để hiểu, để tin, để lựa chọn và để hành động.

Lý trí lên ngôi

Đặc trưng của Thời kỳ Khai sáng có thể khái quát thành sự đề cao của lý trí với khẩu hiệu nổi tiếng, cũng được giương cao bởi I. Kant: “Hãy dám biết!”

Như thế, có thể nói, với Thời kỳ Khai sáng, lý trí đã lên ngôi.

Sự lên ngôi của lý trí dẫn đến những ảnh hưởng to lớn, không chỉ trong khoa học và nghệ thuật, mà còn lan tràn ra mọi mặt của đời sống ngoài xã hội. Điển hình nhất là sự thiết lập tự do, bình đẳng và quyền lực tối thượng của quần chúng trong cuộc cách mạng Pháp.

Chính vì thế, trong những xã hội mà tự do, bình đẳng và quyền lực của số đông quần chúng còn bị bóp méo và chà đạp, thì khai sáng lại được gọi tên như một phép màu với hy vọng những tăm tối của phi lý, u mê sẽ bị xua tan.
Nhưng bi kịch ở chỗ, trong những xã hội này, bản thân sự bóp méo và chà đạp lại thường nhân danh những giá trị của khai sáng như tự do, bình đẳng, ưu việt, tiến bộ, giải phóng… Chúng được vận hành bởi một cơ chế và định hướng bởi một thang giá trị được thiết kế nhân danh lý trí, nhân danh khai sáng. Vì thế, chúng có tính chính danh nhất định và rất khó bị loại bỏ, bất chấp những hậu quả xấu xa của chúng đã bày ra đầy rẫy ở ngoài xã hội.

Chúng như chiếc mặt nạ đã dính chặt vào da thịt không thể gỡ ra. Lý trí đã biến dạng trở thành lý trí giả tạo khô cứng, vô nhân bản. Mục đích tốt đẹp của những học thuyết nhân danh lý trí, nhân danh tiến bộ đã trở thành phương tiện thống trị và đàn áp con người.

Chúng trở thành những bất công, phi lý và u mê mới mà ban đầu, chúng có sứ mệnh cần phải loại bỏ.

Lý trí giật mình…

Nhận thức khoa học từ đầu thế kỉ XX đến nay có một bước dịch chuyển lớn. Đó là dịch chuyển từ sự chắc chắn tất định sang bất định trong giới hạn.

Sự dịch chuyển này ban đầu diễn ra trong các ngành khoa học tự nhiên như Vật lý, Toán học, sau đó lan sang các ngành khác và cuối cùng là nghệ thuật.

Nổi bật nhất trong dòng dịch chuyển này là sự ra đời của Nguyên lý bất định, Nguyên lý bổ sung trong Vật lý và Nguyên lý bất toàn của toán học. Những điều tưởng chừng là tất định thì nay trở nên bất định, mang tính xác suất. Những hệ thống được hy vọng là hoàn thiện thì nay được chứng minh là bất toàn về bản chất.

Sự ra đời của các trường phái hậu hiện đại trong nghệ thuật cũng có liên hệ sâu xa về bản chất với những bất định trong khoa học tự nhiên này.

Sự bất định và bất toàn về bản chất của tự nhiên, được kiểm chứng và đóng dấu xác nhận của những ngành khoa học được coi là chặt chẽ nhất, đã làm rúng động nhận thức của loài người.

Biểu hiện quan trọng nhất là sự tỉnh ngộ của con người về giới hạn hiểu biết của mình; chấp nhận những ý kiến khác mình như một sự bổ sung cho hiểu biết. Nói cách khác, lý trí đã giật mình, con người đã biết khiêm tốn và chấp nhận những tri thức khác mình, thậm chí coi “đối lập như một sự bổ trợ” cần thiết.

Nhà khoa học đã biết hoài nghi trước mỗi kết luận của mình, thay vì khăng khăng tất định nhân danh lý trí. Nhà lãnh đạo giỏi đã biết lắng nghe những ý kiến trái chiều. Vì họ biết, nhận thức của mình về tự nhiên, xã hội và con người là khiếm khuyết về bản chất.

Bất toàn, bất định, bổ sung trở thành những nguyên lý không thể chối cãi. Con người phải chấp nhận chúng và tôn trọng chúng, coi chúng là thuộc tính tất yếu của nhận thức.

… hoài nghi

Nếu khai sáng là sự lên ngôi của lý trí, thì xa hơn khai sáng chính là sự giật mình của lý trí.
Lý trí giật mình để lý trí được khai sáng thêm một lần nữa, được bổ sung những giá trị mới, được trở về với đúng vai trò của mình là thúc đẩy sự tiến bộ thông qua những nhận thức mới, thay vì bảo thủ trì trệ và tha hóa thành công cụ đàn áp sự tiến bộ, dù đã được khoác lên những lớp vỏ mỹ miều.

Nếu tinh thần chủ đạo của Khai sáng cổ điển là “Hãy dám biết!”, thì tinh thần mới của Khai sáng phải là “Hãy dám biết và hãy dám hoài nghi!”

Hoài nghi để không kẻ nào có thể nhân danh lý trí- thực chất là chiếc mặt nạ của lý trí; nhân danh sự hợp lý – thực chất là hợp lý giả tạo; nhân danh những giá trị tốt đẹp – thực chất là những xấu xa được trang điểm bởi các mỹ từ – có thể đàn áp sự tiến bộ.

Hoài nghi để hiểu được những khiếm khuyết về bản chất trong năng lực và tri thức của mình, để khiêm tốn với lý trí của mình và mở lòng thành tâm lắng nghe ý kiến của kẻ khác.

Hoài nghi để không u mê tôn vinh một hệ giá trị duy nhất, không tạo mầm cho độc đoán ra đời; để thấy rằng “đối lập là bổ trợ”, đa dạng và khác biệt là động lực của phát triển.

Hoài nghi để những mỹ từ sáo rỗng không tác oai tác quái sản sinh ra những giả dối, vô cảm, đọa đày.

Nguồn: http://www.tiasang.com.vn/Default.aspx?tabid=111&CategoryID=2&News=3999

26.04.2011 Posted by | Bài viết, Tin khoa học | , , , | 1 bình luận

Vì sao tivi kết nối được internet?

Ảnh ST trên Google

SGTT.VN – Không chỉ có máy tính, điện thoại di động… mới kết nối được internet mà nhiều dòng tivi cũng làm được việc này. Vậy, cơ chế kết nối internet của tivi có gì khác với kết nối internet trên các thiết bị khác? Từ năm 2010, nhiều hãng sản xuất tivi đã tích hợp chức năng kết nối internet trên một số dòng tivi hạn chế. Mục đích là gia tăng giá trị sử dụng của chiếc tivi đó. Bước sang năm 2011, số mẫu tivi kết nối internet xuất hiện trên thị trường ngày càng nhiều hơn.

Tuỳ theo nhà sản xuất mà cơ chế kết nối internet có khác nhau. Với LG, việc kết nối internet chỉ hạn chế ở một vài địa chỉ đã được nhà sản xuất chỉ định trong chương trình điều khiển của tivi. Trong khi đó, ở những dòng tivi internet của Samsung được sản xuất trong năm 2011, có quyền truy cập bất kỳ địa chỉ nào vì những dòng tivi này được tích hợp trình duyệt web có tên là Dolphin.

Đây là trình duyệt web hoàn chỉnh, không giới hạn số lượng địa chỉ truy cập. Về cơ chế hoạt động, để kết nối được các địa chỉ internet, có thể dùng công nghệ không dây hoặc có dây. Nhà sản xuất đã tích hợp bộ thu sóng không dây và thiết bị kết nối mạng (card mạng) trong chiếc tivi đó. Muốn sử dụng cổng kết nối không dây, đòi hỏi phải có modem có chức năng wifi. Còn muốn dùng kết nối có dây, phải có modem internet, kết nối với tivi qua cáp RJ45.

Cũng cần nói thêm, tốc độ kết nối internet qua tivi không phụ thuộc vào cấu hình và phương tiện/phương thức kết nối (có thay đổi nhưng không đáng kể) mà phụ thuộc vào gói thuê bao cũng như thời điểm kết nối vào giờ cao điểm hay thấp điểm. Tuy nhiên, so với kết nối internet bằng máy tính, kết nối trên tivi phải khai báo nhiều khâu. Cần đọc kỹ hướng dẫn của nhà sản xuất (có tài liệu kèm theo) khi muốn sử dụng chức năng này.

Trọng Hiền

 Nguồn: http://sgtt.vn/Khoa-giao/143319/Vi%CC%80-sao-tivi-ke%CC%81t-no%CC%81i-duo%CC%A3c-internet.html

19.04.2011 Posted by | Bài viết, Tin khoa học | , , | Bình luận về bài viết này

Vệ tinh quan sát Trái Đất rơi xuống Thái Bình Dương

Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) ngày 4 – 3 cho biết vệ tinh quan sát Trái Đất Glory của cơ quan này đã không đạt được quỹ đạo, do chiếc nắp bảo vệ không tách ra sau khi vệ tinh được phóng lên.

Vệ tinh quan sát Trái Đất Glory trước khi phóng tại Vandenberg ở California. Nguồn: AP
Vệ tinh quan sát Trái Đất Glory trước khi phóng tại Vandenberg ở California. Nguồn: AP.

Vệ tinh Glory, có chi phí sản xuất khoảng 424 triệu USD, được phóng lên từ căn cứ không quân Vandenberg ở California, nhờ tên lửa đẩy bốn tầng Taurus-XL vào hồi 10 giờ 09 (giờ GMT).

Theo các nhà khoa học của NASA, do sự cố trên mà vệ tinh Glory có trọng lượng quá nặng để đạt được quỹ đạo và đã rơi xuống khu vực Nam Thái Bình Dương.

Giám đốc phụ trách việc phóng vệ tinh của NASA, ông Omar Baez, nói với các phóng viên rằng: “Chúng tôi không gặp vấn đề gì trước khi phóng. Nhưng chỉ vài phút sau khi phóng vệ tinh, việc tách nắp bảo vệ đã không diễn ra.”

Vệ tinh Glory dự kiến ban đầu sẽ đạt được quỹ đạo khoảng 340 dặm hải lý trên Trái Đất, trước khi sử dụng hệ thống đẩy sẵn có để nâng quỹ đạo của nó lên 438 dặm hải lý. Sau đó, Glory sẽ gia nhập đội ngũ các vệ tinh quan sát Trái Đất do NASA phóng lên có tên gọi là “A-Train.”

Năm vệ tinh được phóng trước đó, có tên gọi là Aqua, Cloudsat, Calipso, Parasol và Aura, vẫn đang bay theo đội hình và vượt qua xích đạo vào các buổi chiều hàng ngày.

Trước đó, việc phóng vệ tinh Glory lên quỹ đạo nhằm đo nồng độ của chất khí dạng sương aerosols có trong bầu khí quyển của Trái Đất, để giúp xác định tác động của chúng đối với khí hậu đã bị hoãn vào ngày 23/2, do một sự cố bất ngờ liên quan đến hệ thống điều khiển mặt đất.

Vào tháng 2/2009, một sự cố tương tự cũng đã xảy ra, khi một vệ tinh được thiết kế để theo dõi việc thải khí CO2 trên toàn cầu rơi xuống đại dương gần với Nam cực, sau khi không đạt được quỹ đạo.

Các chuyên gia nói rằng vẫn còn quá sớm để nói rằng liệu vệ tinh Glory rơi có phải vì lý do tương tự hay không, và cần phải tiến hành thêm các phân tích trước khi đưa ra kết luận cuối cùng.

Theo Khắc Hiếu/Washington
Thông Tấn Xã Việt Nam

Nguồn: Tiền Phong Online/ Khoa giáo

06.03.2011 Posted by | Tin khoa học | , | Bình luận về bài viết này