taysonquynhon's Blog

Một thời học trò để nhớ về

Nhớ về lớp 12AB

Trung học tư thục Tây Sơn Quy Nhơn, niên khóa 1968-1975.

Lớp 12AB, sĩ số khoảng hơn 80 hs trong đó khoảng 20 nữ sinh, thực ra 12AB gồm có 2 lớp riêng biệt, đó là 12A (khoảng gần 30 hs) và 12B ( khoảng hơn 50 hs). Có thể là để BGH dễ dàng trong việc quản lý, chi trả lương cho thầy cô và tiện cho việc sắp xếp phòng học (Trường Tây Sơn thời đó chỉ có khoảng 12 phòng học), cho nên chỉ có các môn chính mới tách ra học riêng ( 12A và 12B học riêng 2 môn: Vạn vật, Toán ), còn lại các môn khác đều học chung lớp. Vì vậy, tât cả hs đều quen biết nhau.
Trường TH tư thục Tây Sơn (người sáng lập trường là ông Nguyễn Ngọc Châu, là thân sinh của thầy Nguyễn Mộng Giác) thời kỳ này có một đội ngũ thầy cô giáo được tinh chọn từ các trường công lập rất nổi tiếng. Môn toán có thầy Nguyễn Phụ Tài*, thầy Lê Đức Bé*, thầy Nguyễn Văn Độ*…môn vật lý có thầy Vương Quốc Tấn*, thầy Nguyễn Minh Đức*…, môn hóa học có thầy Đặng Vĩnh Hồng (Trường Tăng Bạt Hổ)…, môn vạn vật có thầy Trần Tư Cung (Trường NTH), thầy Trần Công Lễ*…, môn lịch sử có thầy Huỳnh Hữu Dụng*, cô Trần Thị Xuân Trang*…, môn anh văn có thầy Phan Bá Trác*, thầy Đào Đức Duyên*, thầy Võ Ái Ngự*…, môn việt văn có thầy Nguyễn Mộng Giác*, thầy Hồ Sỹ Duy* (môn việt văn khối lớp 12, NK: 74-75 là “độc nhất vô nhị” lần đầu áp dụng và cũng là lần cuối), môn triết có thầy Tô Minh Tâm*, cô Lê Thị Cúc (trường NTH), dạy nhạc có thầy Vũ Phan Long và còn nhiều thầy cô dạy nhiều bộ môn khác nữa, rất tiếc là tôi không tài nào nhớ hết, rất mong các bạn bổ sung thêm và kính mong quý thầy cô lượng thứ.
Thế hệ thầy cô giáo đã khai sáng văn hóa và trao chúng ta hành trang kiến thức ban đầu để bước vào cuộc đời mới sau năm 1975, phải nói là rất sáng sủa và rất chắc chắn. Lớp học trò chúng ta thời đó thật may mắn được thọ giáo một thế hệ thầy cô tài ba ( còn trên cả “dạy giỏi” ) nhưng bởi thời cuộc mà từ đó đến nay, theo tôi rất khó tìm lại được một thế hệ vàng như vậy. Thật tiếc thay !!!
Sau 30/4/1975 tất cả học sinh khối lớp 12 của Quy Nhơn được tập trung về Trường TH Quang Trung (tên gọi mới của trường Cường Đễ) học đến 12/9/1975 là thi tốt nghiệp cấp III (tú tài), trong giai đoạn chỉ gần 5 tháng này, rất nhiều học sinh các trường tuy có quen nhau từ trước do đã từng cùng học chung trường, chung lớp hay cùng sinh hoạt hội đoàn (Hướng đạo, Du ca, Hồng thập tự, Phật tử…), giờ lại có dịp để trở nên thân thiết hơn nhờ cùng về học chung mái trường và những lần đi đắp đê ở nhà thờ Lòng Sông, Tuy Phước với nhiều kỷ niệm.
Rất nhiều bạn bè lớp 12AB, NK: 68-75 tản mạn khắp nơi, một số định cư ở bên kia bờ đại dương, một số giang hồ kỳ bạt lên đất Tây nguyên, nam tiến vào đất Sài Gòn sinh cơ lập nghiệp, một số vẫn còn ở lại quê nhà và còn nữa một số đã vĩnh viễn ra đi, về với nguồn cội, không mong ngày gặp lại. Dù cho gì đi nữa, giờ đây hầu hết đã lên chức ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại nhưng hằng năm, hàng tháng hoặc vào những ngày trọng đại chúng ta vẫn có dịp ngồi lại với nhau. Rất tiếc còn có nhiều bạn vẫn chưa một lần hội ngộ sau hơn 30 năm xa cách (do cách trở đia lý, thiếu nguồn thông tin…). Rất mong blog này là một cơ duyên tạo nên ngày họp mặt khá đầy đủ trong tương lai gần.
Bài viết này chắc chắn còn sơ lược, còn sai sót nhiều, đặc biệt là về các số liệu, tên tuổi, địa danh…mong sao các bạn nhanh chóng bổ sung và chỉnh sửa thông qua bình luận (comments) hoặc email về luyen57bmt@yahoo.com để dữ liệu càng phong phú và chính xác.

(*) Các thầy cô dạy ở Trường công lập Cường Đễ.

29.12.2009 - Posted by | Bài viết, Giáo dục | , ,

9 bình luận »

  1. Theo thông tin của bạn Thân Hữu Thành tayson12ab, thầy Lê Văn BA đầu năm nay có về VN và có về thăm quê hương Tuy Phước, Bình Định. Thầy rất quan tâm đến cơ sở vật chất các trường học tại quê nhà qua việc thể hiện một số đóng góp tài lực, vật lực cho đội ngũ thầy cô giáo và học sinh ở đây. Thật cảm động!
    Các bạn có thể tìm hiểu thêm qua liên lạc với bạn Thân Hữu Thành hiện là hiệu trưởng một trường tiểu học tại Tuy Phước, Bình định. Số phone của bạn THt là 0979440842

    Bình luận bởi Trần Ngọc Luyện | 05.06.2011 | Trả lời

  2. Đọc lại bài này trên http://cuongdequynhon.com/2010/01/30/trung-h%E1%BB%8Dc-t%C6%B0-th%E1%BB%A5c-tay-s%C6%A1n-quy-nh%C6%A1n-nien-khoa-1968-1975/
    Mới “phát hiện” thêm một chi tiết nữa cần trao đổi với các bạn. Một trong những “sáng lập viên” chính của trường là thầy Nguyễn Châu, chứ không phải Nguyễn Ngọc Châu (như Luyện đã nhớ). Thầy Châu (thân phụ của thầy Giác)cũng là một thầy giáo dạy văn từ thời thuộc Pháp.

    Bình luận bởi Trần Ngọc Châu | 08.03.2011 | Trả lời

  3. Không biết có bạn nào “rinh” được phần thưởng của thầy Lê văn Ba dạy môn công dân không hè 😀 . Mình nhớ thầy treo giải thưởng là BẤT CỨ TRÒ NÀO THẤY THẦY ĂN MẶC XUỀ XÒA, ÁO BỎ NGOÀI QUẦN BẤT KỂ LÚC NÀO, lập tức thầy sẽ móc bóp thưởng ngay 500đ (tương đương một tháng học phí). Mình phục kích ở nhà sách của thầy hoài ở đường Võ Tánh mà thấy thầy luôn bảnh bao (ruồi muốn đỗ trên tóc thầy phải chống gậy! đúng thiệt đó bạn Châu 😀 )
    Còn thầy Tuyển dạy toán hình lớp 11, mình nhớ thầy có bộ râu quai nón rất ấn tượng. Thầy Phan Bá Trác dạy Anh văn thì hay xỏ dây nịt quên xỏ một dây đai thắt lưng trông rất buồn cười (còn dưới lớp tụi học trò hay để ý, hùa nhau cười rúc rích về tính đãng trí của thầy 😀 )
    Riêng thầy Vương Quốc Tấn dạy vật lý tụi mình rất quý giờ giảng của thầy, mà thầy lại hay dạt sang thao thao lĩnh vực âm nhạc. Thầy hay kể về nghệ sĩ violon Pagaghini, về dàn nhạc giao hưởng, thầy rất khoái cây đàn violon…có bạn sốt ruột quá (vì thầy chưa chịu trở về sân nhà), nên lén nói to “câu giờ”. Cả lớp phì cười còn thầy lại thuyết pháp cho một trận, hihi 😀

    Bình luận bởi Trần Ngọc Luyện | 10.07.2010 | Trả lời

  4. Đúng rồi! dạy sinh ngữ 2: Thầy Lê Đại Uyên. Còn toán hình học năm lớp 11: Thầy Tuyển. Công dân: Thầy Lê văn Ba (ruồi muốn đỗ trên tóc thầy phải chống gậy!). Dạy Vạn vật còn có thầy Tùng (Gs trường Nữ),…

    Các bạn check lại coi có còn chính xác không?

    Thời chúng mình học PT, học bao nhiêu thì thi bấy nhiêu,đã phân ban, đã trắc nghiệm, đã chấm thi bằng computer, thêm 1 sinh ngữ phụ, và cả triết học (ở lớp 12),…Nhưng chẳng thấy “chạy điểm”, “chạy trường”,… Và đặc biệt chẳng thấy “căng thẳng” gì lắm, mặc dù hễ nếu mà “ta hỏng tú tài” một cái là “ta đợi ngày đi” liền!

    Bình luận bởi Trần Ngọc Châu | 09.07.2010 | Trả lời

  5. 1./ Thầy dạy môn Pháp văn tên gì? Mình vẫn còn nhớ hình dáng – Thầy đã cao tuổi, gầy gò,nói, đọc khá là yếu ớt (cứ như là đã “hết hơi” vậy)…-nhưng lại không nhớ được tên thầy. Trí nhớ bây giờ tệ thật!
    2./ @ Luyện: Kết quả chuyến “lai SG ứng thí” của Luyện tốt đẹp chứ!

    Bình luận bởi Trần Ngọc Châu | 07.07.2010 | Trả lời

    • Luyện nhớ trường TS thời đó tụi mình học sinh ngữ II là Pháp văn do thầy Uyên dạy (rất tiếc mình không còn nhớ được họ tên của thầy đầy đủ). Nhà thầy ở đoạn HBT gần nối với Võ Tánh (LHP), bên kia là đi tới bưu điện. Mình nghe tin là thầy đã mất vào những năm đói kém khoảng cuối 1970s hoặc đầu 1980s. Thầy là một trong những thầy cô dạy tại trường TS từ lúc thành lập cho đến năm 1975. Thật mừng là Châu vẫn còn nhớ đến thầy Uyên. Ừ, mà sao bây giờ ngành GD tự cho là tiến bộ hơn mà học sinh ko được học sinh ngữ II nhỉ ??? 😦
      Còn chuyện ứng thí cám ơn Châu, mình hơi lo vì học giỡn mà thi thiệt, chưa có kết quả, mong sẽ tốt đẹp. Nhớ đọc email

      Bình luận bởi Trần Ngọc Luyện | 08.07.2010 | Trả lời

      • Mình có ấn tượng về người thầy dạy Pháp văn này…không biết có bạn nào trong lớp học mình còn nhớ một buổi học do thầy dạy…Thầy vừa bước vào lớp học nhìn lên bảng đen đã có hai câu thơ viết sẵn:
        Bác “Uyên” thôi đã thôi rồi…
        Nước mây man mát ngậm ngùi lòng ta!
        (bài thơ Khóc Bạn..Có lẽ của Nguyễn Khuyến)
        Thầy rất giận dữ vì câu thơ này va không chịu dạy bữa học ngày hôm đó vì không ai chịu nhận mình là thủ phạm của sự tinh nghịch này.
        Bạn nào còn nhớ ai là “hung thủ” của chuyện này không?
        Nguyễn Kỳ đó (đã mất)…Gần 40 năm nay có lẽ vẫn còn chưa sáng tỏ….

        Bình luận bởi Huynh to Thu | 09.07.2010 | Trả lời

        • Còn 1 vụ nữa. Giờ toán năm lớp 11 của thầy Độ, co 1 bạn người Quảng Ngãi (Bạn này chỉ học 1 năm lớp 11, mình quên mất tên), co thắc mắc hay ý kiến gì đó có từ “căn số bậc hai”, do giọng Quảng nên anh ta phát âm giọng Quảng (bấy giơ do chúng ta còn bé nên giao lưu chưa nhiều nên chúng ta nghe đúng là rất lạ> Có bạn nào đó nhại lại từ “căn số bậc hai” giọng Quảng đó> Ấy vậy là “chạm nọc” thầy Độ, thầy liền cho 1 bài về việc “chửi cha không bằng pha tiếng”, đâu chừng khoảng nử giờ đồng hồ,…

          Bình luận bởi Trần Ngọc Châu | 09.07.2010 | Trả lời

    • Tôi có nhớ Thầy Uyên dạy Pháp văn (SN 2): Thầy có nói chuyện trước lớp là thầy học cùng Trường hay cùng lớp với Cụ Phạm Văn Đồng đấy !

      Bình luận bởi Dinh Thuc Cao | 13.08.2011 | Trả lời


Gửi phản hồi cho Huynh to Thu Hủy trả lời